Thương hiệu Starbucks với sứ mệnh mang đến một không gian trải nghiệm hài lòng cho khách hàng đã linh hoạt trong thiết kế và “hòa nhập” với văn hóa địa phương hoàn hảo. Starbucks đã làm điều đó ra sao, cùng chúng mình phân tích rõ cách thương hiệu tỷ đô này bảo tồn và trở thành một phần quan trọng trong cộng đồng người dân tại từng địa phương.
Sứ mệnh về không gian của Starbucks
Starbucks - Thương hiệu cà phê “tỷ đô” có sứ mệnh rõ ràng về cả sản phẩm và không gian thưởng thức. Không chỉ mang tới những ly cà phê với chất lượng tuyệt hảo, Starbucks chú trọng vào không gian thân thiện và ấm cúng cùng chất lượng dịch vụ, mang tới trải nghiệm tốt nhất cho từng khách hàng (Tham khảo “Câu chuyện về Starbucks”).
Mỗi chi nhánh của Starbucks ở khắp nơi trên thế giới đều có một điểm đặc sắc riêng biệt trong không gian. Thay vì áp đặt một mô hình duy nhất, Starbucks sử dụng chiến lược tích hợp yếu tố văn hóa của địa phương vào thiết kế quán cà phê, phản ánh và tôn vinh những giá trị tại địa điểm đó.
Điều này thể hiện qua lối kiến trúc đậm nét truyền thống tại địa phương, vật liệu sử dụng, những đồ vật trang trí, hình ảnh thể hiện trong không gian.... Sự linh hoạt “nhập gia tùy tục” này giúp mỗi chi nhánh của Starbucks không đơn thuần là thương hiệu cà phê nổi tiếng mà trở thành một phần của cộng đồng địa phương, là nơi để tham quan và thưởng thức.
>> Đọc thêm: Xây dựng thương hiệu và tạo dựng lòng tin cho khách hàng
Thiết kế quán cafe Starbucks tại Việt Nam
Lối kiến trúc đặc trưng ở phố cổ Hội An nổi bật với tường sơn màu vàng tươi sáng và mái nhà được lợp theo kiểu hai mái. Starbucks đã chắc hẳn đã nghiên cứu rõ về đặc điểm nhà ở tại địa phương và tái hiện hoàn hảo chi nhánh tại Hội An của mình.
Starbucks chi nhánh tại phố Trần Hưng Đạo, Hội An
Starbucks tại Hội An có phần mái nhà được lợp hai lớp mái kế tiếp nhau, với chất liệu từ loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô đúng hình dáng và kích thước truyền thống của kiến trúc Hội An.
Cửa của quán màu gỗ nâu trầm, mang nét truyền thống đặc trưng của Việt Nam.
Thiết kế Starbucks ở Dubai
Tọa lạc trong khu phố cổ khu phố cổ AI Seef tại Dubai, Starbucks “hòa nhập” nhờ thiết kế đậm chất mộc mạc.
Kiến trúc của những ngôi nhà cổ của Dubai ưu tiên sử dụng những vật liệu đặc trưng của vùng Trung Đông như gạch, đá và gỗ. Gạch và đá trắng dùng để xây dựng tường vách chắc chắn, gỗ thô mộc dùng cho cửa và cột nhà, tất cả tạo nên vẻ đẹp thô ráp và mộc mạc cho những ngôi nhà cổ Dubai.
Đây là địa điểm check-in nổi tiếng và yêu thích của du khách khi tham quan phố cổ Al Seef tại Dubai.
Thiết kế quán cà phê Starbucks ở Hàn Quốc
1. Chi nhánh tại Daegu Jongro Gotaek
Từ một ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm tại Daegu Jongro Gotaek, Hàn Quốc, Starbucks thừa hưởng trọn vẹn nét kiến trúc truyền thống đặc sắc của hanok tại đây. Không gian được chia thành hai khu vực nội thất và một khu vườn ngoại thất.
Hanok là kiểu kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc, được xây dựng từ thế kỷ 14 đến 20. Hanok đặc trưng bởi nhiều cửa sổ và cửa gỗ lớn, mái nhà cong, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ và đá.
Không khí đậm chất truyền thống Hàn Quốc của thế kỷ trước thể hiện ở khu vườn bên ngoài yên bình và xanh mát. Khu vực hiện đại bao gồm quầy cà phê phục vụ đồ uống, với tổng cộng 120 ghế. Giữ gìn những điểm đặc trưng trong văn hóa, kết hợp cùng sự hiện đại trong nội thất và dịch vụ, sản phẩm, chi nhánh này chính là sự giao thoa hoàn hảo của quá khứ và hiện đại
>> Đọc thêm: Vẻ Đẹp Hiện Đại từ Phong Cách Modernism Italy trong Thiết Kế Nhà Hàng
2. Chi nhánh tại Seoul
Starbucks hợp tác với Cơ quan Di sản Văn hóa Hàn Quốc để bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống từ năm 2009. Chi nhánh tại Seoul là một trong những nỗ lực của Starbucks trong việc tôn vinh và hỗ trợ bảo tồn văn hóa của “Xứ Sở Kim Chi”.
Starbucks kế thừa đặc điểm kiến trúc của đền thờ Hwangudan, một công trình từ thời Gorgyeo để các hoàng đế thực hiện nghi lễ tế trời hàng năm. Màu sắc xanh, đỏ trên mái ngói cùng cách sắp xếp các lớp ngói và độ cong đúng tiêu chuẩn, đều thể hiện rõ nét sự thấu hiểu về lịch sử văn hóa Hàn Quốc.
Không gian thưởng thức đậm chất Hàn với khu vực ngồi và bức tường ngăn với các họa tiết truyền thống, kệ hình bát giác và bức tranh tường đặc sắc của một nghệ sĩ địa phương.
Kiến trúc quán cafe Starbucks tại Nhật Bản
1. Thiết kế quán cafe Starbucks Kyoto Ninenzaka Yasaka Chaya
Starbucks Kyoto Ninenzaka Yasaka Chaya được tu sửa từ ngôi nhà cổ 2 tầng hơn 100 năm tuổi. Bảo tồn lối kiến trúc của căn nhà tại phố cổ Gion (Kyoto), Starbucks tựa như đã xuất hiện tại Kyoto từ thế kỷ trước và chứng kiến sự phát triển của thành phố.
Starbucks không sử dụng bảng hiệu hiện đại mà thay vào đó là rèm noren màu xanh truyền thống kiểu Nhật.
Ngôn ngữ thiết kế truyền thống Nhật Bản với đường nét thẳng, cong đơn giản cùng vật liệu thô mộc từ gỗ, đá, mái ngói nung được giữ trọn vẹn.
>> Đọc thêm: Thiết kế quán cafe sân vườn phong cách Nhật Bản
2. Thiết kế quán cafe Starbucks Kawagoe Kanetsuki-dori
Starbucks Kawagoe Kanetsuki-dori nằm sát Tháp chuông thời gian - Toki no kane, biểu tượng của thành phố Kawagoe. Còn được biết đến với cái tên "Edo thu nhỏ - Koedo," Kawagoe là nơi giữ lại không khí của thời kỳ Edo qua những con phố cổ và những ngôi nhà xưởng cổ kính.
Kiến trúc bên ngoài của cửa hàng được tô điểm bởi gam màu trầm ấm, mang đậm đặc nét đẹp truyền thống của Nhật Bản. Toàn bộ kiến trúc, kể cả biển hiệu, đều làm từ gỗ, đặc biệt là gỗ tùng tuyết của Saitama, thể hiện sự kết nối mạnh mẽ với địa phương.
Ở giữa cửa hàng, một khu vườn nhỏ với mái che và băng ghế sâu bên trong tạo nên không gian thư giãn. Thiết kế hiện đại được xen kẽ với những yếu tố truyền thống một cách tinh tế và sáng tạo.
Kiến trúc Starbucks tại Trung Quốc
Starbucks nổi tiếng với việc thành công thay đổi thói quen uống trà của người dân Trung Quốc, thương hiệu này đã biến một quốc gia “mê” trà trở thành thị trường lớn thứ hai của mình. Một chiến lược thông minh được Starbucks sử dụng xuyên suốt các địa điểm đông đúc là giúp địa phương đó bảo tồn văn hóa truyền thống qua lối kiến trúc và không gian tại cửa hàng.
1. Starbucks tại Thường Châu
Starbucks tại Thường Châu nổi bật với kiến trúc Nhà Vườn Tứ Hợp Viện, là một trong những kiến trúc nhà ở đặc sắc tại Trung Quốc, thường được những gia đình giàu có, quyền quý ưa chuộng.
Starbucks sử dụng cửa gỗ nâu thô mộc và cửa hình tròn lớn để ngăn cách phân khu, các cột nhà bằng gỗ chắc chắn đậm nét Trung Hoa. Nếu không có logo của thương hiệu, chắc chắn ai cũng nghĩ đây là một công trình cổ từ thời xa xưa.
2. Starbucks tại Tây An
Starbucks tái hiện nét kiến trúc phồn hoa của Đại Đường xưa với chi nhánh tại Tây An. Công trình được xây dựng 2 tầng với các tầng mái hoành tráng, nổi bật.
Chỉ kết hợp 2 màu sắc: xám tối và màu đỏ đồng, kết hợp logo Starbucks, cửa hàng tạo sự tò mò lớn đối với cả người dân và du khách tại đây.
Các cửa chính được thiết kế rộng, đúng chuẩn với lối kiến trúc Trung Hoa thời Đường. Bên hông quán có biển hiệu chữ Trung Quốc với ý nghĩa : “Cà phê Starbucks”, giúp thu hút và tạo sự thân thuộc với người dân bản địa.
Với chiến lược thông minh, Starbucks đã rất thành công trong việc thâm nhập nhiều thị trường trên toàn thế giới. Để làm được điều đó, thương hiệu cần hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương và có sự đồng cảm sâu sắc với những giá trị của người dân tại đó.
Để được tư vấn thêm thông tin về cách áp dụng văn hóa địa phương vào thiết kế nhà hàng/ quán cafe, cũng như về dịch vụ thiết kế - thi công trọn gói, anh/chị đừng ngần ngại liên hệ ngay với Phong Cách Mộc qua hotline 0888 577 577 để được hỗ trợ và nhận dự toán chi phí.